Mặc dù được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021, nhưng cuộc sống của hàng chục hộ dân ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk bị đảo lộn bởi mùi hôi thối nồng nặc sộc vào khu dân cư và nước thải chưa qua xử lý tràn vào nương rẫy, ao hồ… của một trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn nằm trên địa bàn.
Nhận được thông tin phản ảnh của người dân ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy, huyện Krông Pắc về việc một trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, chúng tôi đã về tìm hiểu sự việc.
Mặc dù không thông tin trước, nhưng khi chúng tôi có mặt tại địa phương chưa đầy 10 phút, nghe tin có nhà báo về thì đông đảo người dân kéo đến tố giác việc trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, làm đảo lộn cuộc sống của họ.
Chị Lê Thị Phương, nhà ở cách trang trại khoảng 50m bức xúc: “Tôi làm nhà ở đây năm 2015 thì năm 2016, trang trại chăn nuôi heo này được xây dựng và từ đó đến nay gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mùi hôi thối nồng nặc từ trang trại theo gió sộc vào nhà cả ngày lẫn đêm, nhất là vào buổi chiều khi người ta đem nhau heo nái đi đốt và quét dọn chuồng trại. Mùi hôi thối làm đảo lộn cuộc sống của gia đình tôi, từ việc ăn, ngủ, sinh hoạt cũng như việc học hành của các cháu”.
Để trực tiếp chứng kiến tình trạng ô nhiễm môi trường do trang trại chăn nuôi heo này gây ra, người dân địa phương dẫn chúng tôi đi dọc theo hàng rào của trang trại chăn nuôi được xây dựng bằng gạch cao quá đầu người, đứng phía ngoài không nhìn thấy gì bên trong trang trại. Tuy nhiên, phía bên ngoài tường rào là rẫy cà-phê của người dân địa phương, khi trời mưa nước từ trang trại thấm ra bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Anh Trần Văn Ngọc nhà ở cách trang trại 100m thuộc thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy, có 1ha cà-phê sát với trang trại chăn nuôi heo cho biết: “Hằng ngày tôi ra chăm sóc vườn cà-phê nhưng mùi hôi thối bốc ra từ trang trại chăn nuôi heo làm tôi không thể nào chịu được. Nhiều hôm chỉ làm được một vài giờ không chịu được mùi hôi thối phải bỏ về. Vợ chồng tôi có 2 người con, đứa nhỏ 4 tuổi và đứa lớn 7 tuổi, do môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, các cháu hay bị bệnh về đường hô hấp nên tôi phải gửi các cháu qua nhà anh trai ở xã khác để ở và ăn học”.
Chúng tôi tiếp tục đi về phía cuối tường rào đến khu vực chứa nước thải của trang trại chăn nuôi. Tại đây có 3 cái ao, trong đó có 1 ao lót bạt chứa nước thải từ hầm biogas đen quánh, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nước thải từ chuồng trại chăn nuôi heo được đổ vào cái 3 ao này để lắng đọng, tuy nhiên khi có mưa lớn nước từ các ao này tràn ra nương rẫy, ao hồ của người dân và khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Không còn cách nào khác, người dân phải tự đào một cái mương dẫn nước thải băng qua khu dân cư rồi đổ ra cánh đồng Ea Uy.
Dẫn chúng tôi đến thị sát 2 ao nuôi cá của gia đình nằm gần trang trại chăn nuôi heo, ông Phạm Văn Chiêu, 63 tuổi ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy bức xúc: “Gia đình tôi ở đây từ năm 1980 và làm được 1ha cà-phê, nuôi 2 ao cá, mỗi ao có diện tích 1.000m2. Trước đây không khí ở đây trong lành, nhưng kể từ năm 2016, trang trại chăn nuôi heo nái quy mô lớn này được xây dựng tại đây và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Nước thải từ trang trại chăn nuôi chảy vào 2 ao cá làm cá chết sạch, không còn chăn nuôi được; tôi hút nước dưới ao lên tưới cây thì cũng cây chết. Điều đáng lo lắng hơn là nước thải còn tràn vào khu dân cư và thấm xuống đất, nhưng hầu hết người dân ở đây đều sử dụng nước giếng đào, độ sâu chỉ 7m. Người dân chúng tôi lo lắng, không chỉ môi trường mà nguồn nước giếng cũng bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, cộng đồng”.
Những bức xúc và lo lắng này không chỉ riêng chị Phương, anh Ngọc, ông Chiêu mà là nỗi bức xúc, lo lắng của của hơn 100 hộ dân ở thôn Tân Lợi 1, xã Ea Uy, huyện Krông Pắc. Điều khiến người dân bức xúc hơn là tình trạng ô nhiễm môi trường này đã xảy ra nhiều năm nay và ngày càng thêm trầm trọng, người dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương và các ngành chức năng của huyện Krông Pắc, nhưng đến nay mọi việc vẫn chưa được xử lý, khiến người dân càng bức xúc, lo lắng hơn.
Từ những gì mắt thấy, tai nghe, chúng tôi tìm gặp chủ trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn này là ông Huỳnh Tấn Khánh, nhà ở xã Ea Phê, huyện Krông Pắc. Ông Khánh giãi bày, gia đình ông được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cấp phép xây dựng trang trại chăn nuôi này với vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng, đi vào hoạt động ổn định hơn 4 năm nay. Quy mô trang trại với diện tích 3ha, nuôi 650 heo nái sinh sản, tuy nhiên hiện nay mới nuôi khoảng 350 con.
Ông Huỳnh Tấn Khánh thừa nhận: “Tôi cũng nhiều lần nghe người dân phản ảnh về việc trang trại chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Trong thời gian qua, do gặp khó khăn nên chưa khắc phục được. Cụ thể, trong 16 tỷ đồng đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo này, tôi vay ngân hàng 8 tỷ đồng.
Hai năm gần đây do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên việc chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, đến nay trong 8 tỷ đồng vay ngân hàng thì mới trả được 4 tỷ, còn nợ 4 tỷ đồng, nên chưa có tiền đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải. Trong khi đó, để xây dựng hệ thống xử lý chất thải cho trang trại phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng”.
Theo ông Khánh, để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới ông sẽ mua thêm đất của người dân để xây bờ kè ngăn không cho nước thải tràn ra môi trường và trồng đai rừng chắn gió ngăn mùi hôi phát tán…
Làm việc với chính quyền xã Ea Uy về tình trạng trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ea Uy Nguyễn Thanh Bình cho biết, trang trại chăn nuôi heo này được tỉnh cấp phép đầy đủ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng người dân xung quanh có phản ánh về tình trạng ô nhiễm từ trang trại, xã đã tiến hành kiểm tra nhưng cấp xã chỉ kiểm tra bằng mắt thường, không đánh giá được tác động môi trường. Ủy ban nhân dân xã yêu cầu chủ trang trại khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo đảm cuộc sống cho người dân.
Trả lời câu hỏi vì sao trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn lại xây dựng gần khu dân cư? Ông Bình cho biết: “Tôi mới làm Chủ tịch xã được 1 năm nên không biết rõ chủ trương cho xây dựng trang trại, chứ quy mô đầu tư lớn mà đặt quá gần khu dân cư như vậy là không phù hợp”.
Điều đáng nói là tình trạng ô nhiễm môi trường do trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn này gây ra nhiều năm nay khiến người dân ở thôn Tân Lợi 1 hết sức bức xúc và lo lắng, nhưng xã Ea Uy vẫn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2021.